Truy cập nội dung luôn

Chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nhiều chính sách chăm lo học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, nhằm đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ học sinh DTTS được chăm sóc, giáo dục tại trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, góp phần duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh người DTTS ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiết học tiếng Anh của học sinh Trường PTDTNT THCS Định Hóa 

Toàn tỉnh hiện có 6 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) và 10 trường phổ thông dân tộc bán trú (2 trường tiểu học, 7 trường THCS và 01 trường TH&THCS). Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, các trường PTDTNT, bán trú trên địa bàn tỉnh được đầu tư nâng cấp, mở rộng; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường DTNT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có 30.881 học sinh mầm non, 48.778 học sinh cấp tiểu học, 37.278 học sinh  cấp THCS và 13.960 học sinh THPT là người DTTS. Tỷ lệ học sinh là người DTTS được học tại các trường PTDTNT duy trì đạt trên 8%; trên 90% học sinh người DTTS đi học đúng tuổi.

Năm học 2024 - 2025, Trường PTDTNT THCS Phú Lương có tổng số 374 học sinh. Để đảm bảo về cơ sở vật chất, phục vụ tốt cho công tác dạy và học, ngay từ khi kết thúc năm học trước, Nhà trường đã xây dựng kế hoạch trình các ngành chức năng để tiến hành tu sửa, nâng cấp khu ký túc xá, nhà ăn, xây nhà kho chứa lương thực và các công trình phụ trợ khác, nhằm đáp ứng yêu cầu sinh hoạt và học tập của các em.

Từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (MN), Nhà trường đã được sửa chữa nhà ăn, nhà ở nội trú 3 tầng (thay mới hệ thống cửa và nâng cấp hệ thống nước sinh hoạt) với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng; xây dựng kho chứa lương thực với tổng kinh phí 1 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa, cải tạo khu vực ký túc xá với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Qua đó, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, vui chơi, đáp ứng nhu cầu học tập, đời sống của các em học sinh ở ngôi nhà nội trú Phú Lương.

Khuôn viên Ký túc xá Trường PTDTNT THCS Phú Lương được sửa chữa để đảm cho học sinh yên tâm sinh hoạt

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Phú Lương, cho biết: Nhà trường được xây dựng và chính thức hoạt động từ năm học 2013 - 2014, sau 11 năm, một số hạng mục, công trình đã xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sinh hoạt, học tập của học sinh. Sau khi được quan tâm, đầu tư, sửa chữa và nâng cấp khu vực ký túc xá, nhà ăn của học sinh và đưa vào sử dụng ngay trong năm học này, các em học sinh đã có môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, tiện nghi hơn. Điều này cũng giúp cho công tác chăm sóc, giáo dục của Nhà trường được tốt hơn”. 

Tương tự như Trường PTDTNT THCS Phú Lương, Trường PTDTNT THCS Định Hóa cũng thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc và nuôi dưỡng học sinh con em đồng bào DTTS trên địa bàn huyện. Thời gian qua, Nhà trường đã có nhiều cố gắng trong nâng cao chất lượng dạy và học, qua đó góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Năm học 2024 - 2025, Nhà trường có 351 học sinh với 12 lớp, các em không chỉ là những học sinh người DTTS mà hầu hết còn là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, với sự đồng lòng nỗ lực và quyết tâm cao, thầy và trò Trường PTDTNT THCS Định Hóa luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ của năm học, đặc biệt là công tác giáo dục và chăm lo đời sống cho học sinh người DTTS.

Chất lượng giáo dục, chăm sóc học sinh người DTTS trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngày càng được nâng lên

Thầy Lưu Văn Nguyên, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường PTDTNT THCS Định Hóa chia sẻ: "Học sinh khi theo học tại trường được hưởng đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho học sinh người DTTS. Từ các nguồn kinh phí khác nhau, cơ sở vật chất Nhà trường đã được đầu tư đồng bộ, bao gồm trường lớp học với đầy đủ trang thiết bị dạy học, phòng học bộ môn, khu vực ký túc xá, bếp ăn… Song song với đó, học sinh người DTTS đang theo học tại trường luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục tận tình từ các thầy cô để cùng với các điều kiện để đáp ứng tốt các hoạt động giáo dục, giúp các em đạt được những kết quả cao trong học tập, từ đó giúp các em có thêm động lực đến trường.

Để công tác giáo dục miền núi trên địa bàn tỉnh được phát triển, tỉnh tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo cùng với các sở, ngành liên quan chú trọng đầu tư các nguồn lực cho phát triển giáo dục đồng bào DTTS&MN; rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của từng vùng miền. Trong đó, quan tâm đến việc xây dựng các trường nội trú, bán trú, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.

Thanh Thủy
thainguyen.gov.vn